Chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn, hay còn được gọi là chùa Linh Ứng Non Nước, là một trong những ngôi cổ tự lâu đời nhất Đà Nẵng. Chùa được sắc phong quốc tự vào đời vua Thành Thái, sau bao thăng trầm lịch sử, chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn vẫn nằm sừng sững tại ngọn Thủy Sơn và đón hàng ngàn du khách ghé thăm mỗi năm. Trong bài viết này, hãy cùng Sun World tìm hiểu những điểm thú vị về ngôi cổ tự này nhé!
1. Phân biệt 3 ngôi chùa Linh Ứng Đà Nẵng
1- Vị trí
Đà Nẵng hiện đang có 3 ngôi chùa Linh Ứng thiêng liêng tọa lạc tại 3 vị trí đắc địa nhất:
-
Chùa Linh Ứng Bãi Bụt (tên gọi khác là chùa Linh Ứng Sơn Trà): Tọa lạc trên bán đảo Sơn Trà (Đông Đà Nẵng), nằm trên ngọn núi cao 693m so với mực nước biển.
-
Chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn (hay còn được gọi là chùa Linh Ứng Non Nước): Nằm tại ngọn Thủy Sơn thuộc quần thể Ngũ Hành Sơn (Nam Đà Nẵng) cao hơn 100m so với mực nước biển.
-
Chùa Linh Ứng Bà Nà: Tọa lạc trong khu du lịch sinh thái Bà Nà – Suối Mơ (Tây Đà Nẵng) cao hơn 1.400m so với mực nước biển.
Chùa Linh Ứng Bà Nà tọa lạc trên đỉnh núi quanh năm mây trắng bao phủ
Chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn tọa lạc trên Ngọn Thủy Sơn
Chùa Linh Ứng Sơn Trà - ngôi chùa lớn nhất Đà Nẵng
2- Lịch sử xây dựng
Chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn là ngôi chùa được xây dựng sớm nhất (1825), đứng thứ 2 là chùa Linh Ứng Bà Nà (khởi công năm 1999, khánh thành năm 2007). Chùa Linh Ứng Bãi Bụt là ngôi chùa được khánh thành muộn nhất (khởi công năm 2004, khánh thành năm 2010).
3- Công trình nổi bật
Chùa Linh Ứng Bà Nà có tượng Phật Thích Ca cao 27m ngồi thiền định trên tòa tháp sen được chạm khắc từ đá trắng tinh tế, phía dưới là 8 bức phù điêu khắc ý nghĩa về cuộc đời của Đức Phật.
Sở hữu bức tượng Quan Âm cao nhất Việt Nam, chùa Linh Ứng Bãi Bụt thu hút nhiều khách du lịch đến chiêm ngưỡng và chiêm bái. Bức tượng Quan Âm của chùa có chiều cao lên đến 67m tựa núi hướng ra biển cầu bình an cho ngư dân đang ngoài khơi xa.
Chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn - ngôi chùa cổ nhất trong 3 Linh Ứng Tự sở hữu nhiều bức tượng có niên đại lên đến vài thế kỷ như tượng Phật Thích Ca, Phật A Di Đà và Phật Di Lặc ở chánh điện, tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn, tháp Xá Lợi…
Các công trình tiêu biểu của 3 ngôi chùa Linh Ứng nổi tiếng nhất Đà Nẵng
4- Câu chuyện linh thiêng
Tương truyền, nếu muốn cầu bình an, du khách Phật tử sẽ đến chùa Linh Ứng Bà Nà; cầu tình duyên đến chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn; cầu may mắn đến chùa Linh Ứng Sơn Trà.
2. Tổng quan về chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn
Nằm trên ngọn núi Thủy Sơn thuộc quần thể Ngũ Hành Sơn, chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn là ngôi chùa cổ có lịch sử lâu đời nhất trong Tam Linh Ứng Tự với nét đẹp mộc mạc, huyền bí và rất đỗi linh thiêng.
2.1. Lịch sử hình thành
-
Thời vua Lê Hiển Tông (1740 - 1780): Một vị ẩn sĩ chơn tên là Quang Chánh, hiệu là Bảo Đài Đại Sư đến tu tại động Tàng Chơn dựng một thảo am để ở gọi là “Dưỡng Chơn Am". Sau một thời gian Ngài dựng một gian nhà tranh ở trước động Tàng Chơn và lấy hiệu là “Dưỡng Chơn Đường".
-
Thời vua Minh Mạng (1820 -1840): Năm 1825, khi vua Minh Mạng vi hành đến mảnh đất Quảng Nam đã cho xây dựng lại Dưỡng Chơn Đường bằng gạch đá sau đó sắc phong thành Ngự chế Ứng Chơn Tự.
-
Năm Thành Thái thứ 3 (1891): Vua Thành Thái đổi tên Ứng Chơn Tự thành Linh Ứng Tự vì sợ chữ “Chơn” phạm húy vua Dục Đức.
-
Năm 1901: Sau khi bị hư hại nặng nề bởi một trận bão lớn, chùa được trùng tu, sửa chữa lại kiên cố hơn, trên nóc chùa trang trí thêm hình “lưỡng Long chầu Nguyệt” và cổng tam quan cũng được xây dựng lại.
-
Năm 1992: Thượng tọa Thích Thiện Nguyện trùng tu chùa và xây thêm một số công trình như Lầu Quan Âm và tượng Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi tọa thiền.
Diện mạo chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn không có sự thay đổi kể từ đại trùng tu năm 1992
2.2. Diện tích và kiến trúc
Tọa lạc trên một khu đất rộng gần 100m2 ở phía Đông hòn Thủy Sơn, chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn được xây dựng theo lối kiến trúc trùng thiềm điệp ốc (nhà kép 2 mái trên 1 nền) - kiểu kiến trúc truyền thống đặc trưng của miền Trung Bộ Việt Nam.
Ngói chùa được làm từ ngói thanh lưu ly - một loại ngói truyền thống lâu đời của người Việt, thường xuất hiện nhiều trong các công trình kiến trúc cung đình Huế. Chùa có 2 mái với hình lưỡng Long chầu Nguyệt ở phía đầu, giữa là bánh xe chuyển pháp luân có 8 nhang tương ứng với Bát chánh đạo. Giữa 2 mái của chùa là hàng cổ diêm với 3 bức tranh khắc họa khung cảnh non nước xanh biếc đầy hữu tình của thành phố Đà Nẵng.
Các bức tường bên ngoài của chùa có các chi tiết trang trí đậm chất Trung Bộ như Long - Vân, rồng, hoa sen, chữ Hán… được khảm sành sứ tinh xảo.
Toàn cảnh diện tích và kiến trúc của chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn
3. Khám phá chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn
Dù không có quy mô xây dựng hoành tráng như chùa Linh Ứng Bãi Bụt cũng không nằm ở độ cao lưng chừng mây ấn tượng như chùa Linh Ứng Bà Nà, chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn vẫn thu hút du khách với những công trình kiến trúc tâm linh mộc mạc huyền bí và danh lam thắng cảnh ấn tượng.
3.1. Lâm Tỳ Ni Viên
Nằm gần cổng vào chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn, du khách sẽ bắt gặp Lâm Tỳ Ni Viên ở lối đi bộ lên chùa. Bối cảnh khu vườn này mô phỏng lại nơi sinh ra của Đức Phật Thích Ca với các bức tượng bằng đá tái hiện điển tích ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ra đời cùng nhiều tượng rồng bay được chạm khắc tinh xảo.
Vườn Lâm Tỳ Ni Viên ngoài cổng chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn
3.2. Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni
Từ vườn Lâm Tỳ Ni Viên đi thêm khoảng một chục bậc thang nữa các Phật tử và du khách sẽ gặp tượng Phật Thích Ca ngồi tọa thiền dưới bóng cây. Tượng cao 10m được tạc khắc bằng đá trắng nguyên khối tinh xảo. Bức tượng có lưng dựa núi, mặt hướng vào chùa toát lên vẻ tôn nghiêm và cao quý.
Bức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni tôn nghiêm ngoài cổng chùa
3.3. Chánh điện
Ngay chính giữa khuôn viên chùa là khu Chánh điện với thiết kế hình chữ Nhất độc đáo. Bên trong chánh điện, ở chính giữa đặt bàn thờ đức phật Thích Ca Mâu Ni ngồi niết già trên tòa sen trang nghiêm, thanh tịnh,hai bên là bàn thờ Đức Quán Thế Âm Bồ Tát và Đức Địa Tạng Bồ Tát, còn hai bức tường thờ Thập Bát La Hán. Các du khách và tăng ni Phật tử khi vào chánh điện lễ Phật lưu ý cần cởi bỏ giày dép trước khi vào điện.
3.4. Quan Âm Các và bảo tháp
Nằm ngay bên phía bên trái của Chánh điện là các bảo tháp và Quan Âm Các. Quan Âm Các được xây trên một hồ nước khá độc đáo. Du khách và các Phật tử khi muốn đến Quan Âm Các sẽ phải đi qua một cây cầu nhỏ.
Về phần các bảo tháp, nổi bật nhất phải kể đến là tháp của ngài Bảo Đài Đại Sư, về phía Đông Nam còn có ngôi tháp của Hòa thượng Thích Hương Sơn và ngôi tháp Đa Bảo bảy tầng cao khoảng 20m rất nguy nga. Bên trong mỗi tầng của các tòa tháp đều trưng thờ tượng Phật, chư vị Bồ Tát và các vị đại đệ tử của đức Phật.
Quan Âm Các được xây dựng trên một hồ nước khá độc đáo
3.5. Nhà thờ Tổ và đài thờ
Phía bên phải Chánh điện là nhà thờ Tổ linh thiêng. Nhà thờ Tổ được xây dựng để thờ cúng các vị sư trụ trì chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn đã quá vãng. Đặc biệt phía trước nhà thờ Tổ có một đài thờ thuộc phong cách Đông Dương có chiều dài 0,9m và cao khoảng 0,6m. Đài thờ được chạm hình thần Indra cưỡi voi, xung quanh còn có các Apsara múa hát ở cả 3 mặt.
Từ các chi tiết khắc họa tinh tế trên đài thờ có thể thấy phần đài thờ này đã ảnh hưởng sâu sắc phong cách nghệ thuật Java – Indonesia (có niên đại vào thời kỳ cuối của phong cách nghệ thuật Đồng Dương khoảng nửa đầu thế kỷ thứ X).
3.6. Tháp xá lợi
Được khởi công xây dựng vào năm 1997 và khánh thành vào năm 2004, tháp Xá Lợi của chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn có 7 tầng với chiều cao tầm 28 mét. Với lối kiến trúc hình lục giác 6 cạnh độc đáo, đỉnh tháp được thiết kế theo kiểu Thái Lan, mái cong theo lối kiến trúc Việt truyền thống và các trụ được xây dựng theo kiểu cổ Hy Lạp.
Từ trên xuống dưới, tầng 7 tôn thờ Xá lợi Phật và 7 vị Phật truyền đăng, tầng 4, 5 và 6 thờ bảo tượng Quan Âm Thiên thủ Thiên nhãn và 84 tượng Đà La Ni. Ở tầng 3 có thờ các vị Tổ truyền đăng Ấn – Hoa, trong khi tầng 2 thờ tượng Di Đà Tam Tôn, còn tầng 1 thờ tượng đức Phật Thích Ca, Ca Diếp, A Nan cùng nhiều vị Bồ tát, La hán… Khi đến với Tháp xá lợi, bạn có thể tham quan tầng 1 của tháp.
Tháp Xá Lợi với kiến trúc có 7 tầng - 6 cạnh độc đáo
3.7. Động Tàng Chơn
Nằm ngay phía sau chánh điện của chùa là Động Tàng Chơn. Động Tàng Chơn hiện có 5 hệ thống hang, mỗi hang sẽ có những đặc điểm nổi bật khác nhau:
-
Hang Tam Thanh: Hang có bức tượng Phật A Di Đà ngồi tọa thiền, phía sau là bức tượng cổ tái hiện cảnh Phật Thích Ca nhập niết bàn.
-
Hang Thiên Long: Hang mang lại cảm giác mát lành, dễ chịu, thoải mái bởi làn gió thổi vào từ nơi thông với hang Gió, Thiên Long Cốc lùa vào các lỗ thông với đỉnh núi và động Chơn Tiên.
-
Hang Cham Pa: Hang lưu trữ nghệ thuật điêu khắc Chăm cổ và thờ các vị thần của người Chăm như Chăm Pa, Linga và Yoni.
-
Hang A Di Đà: Là nơi thờ cúng các vị phật A Di Đà. Các bức tượng Phật điêu khắc tỉ mỉ được đặt nơi cao nhất của hang.
-
Hang Bàn Cờ Tiên: Như cái tên gọi, truyền thuyết xưa đây chính là bàn cờ mà các vị thần tiên thường vừa đánh cờ vừa đàm đạo.
Động Tàng Chơn có 5 hệ thống hang, mỗi hang đều có đặc điểm nổi bật riêng
3.8. Một số công trình khác tại Thủy Sơn
Ngoài các công trình đặc biệt kể trên, khi đến với núi Thuỷ Sơn bạn sẽ còn được chiêm ngưỡng các công trình khác cũng có phần huyền bí và nổi bật không kém.
-
Cổng trời Cửa Đông - Cửa Tây: Từ hang A Di Đà và chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn đi lên, bạn sẽ phải đi qua cổng trời được tạo tác bởi thiên nhiên cực kỳ ấn tượng và thú vị với các phiến đá tự nhiên xếp chồng lên nhau rất đẹp.
-
Chùa Tam Thai: Từ cổng trời phía Đông, du khách di chuyển qua phía Tây để đến với chùa Tam Thai. Đây là ngôi chùa cổ nhất trên ngọn Thủy Sơn, được xây dựng đầu tiên tại đây.
-
Động Huyền Không: Ngay kế bên hông chùa Tam Thai là động Huyền Không huyền bí. Hang động này là hang nổi tiếng nhất của danh thắng Ngũ Hành Sơn thờ Quan Thế Âm Bồ Tát.
-
Động Âm Phủ: Là hang động dài nhất của quần thể Ngũ Hành Sơn tái hiện câu chuyện của 18 tầng địa ngục sau khi con người vãng sanh.
Một số công trình khác tại núi Thủy Sơn cũng huyền bí và kỳ ảo không kém
4. 4 trải nghiệm khi đến với chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn
Đến với chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn, bạn có thể có một khoảng thời gian yên tĩnh và không gian để trải nghiệm những điều thú vị sau đây.
4.1. Dâng lễ cầu tình duyên
Được biết đến là nơi cầu tình duyên linh thiêng nhất tại thành phố Đà Nẵng, khi đến chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn cầu nguyện bạn nên chuẩn bị quần áo kín đáo và chỉnh tề. Sau đó thành tâm cầu nguyện một cách nghiêm túc nhất. Bạn có thể thắp một nén nhang và cúng dường để tích phước đức.
Một số lễ vật đơn giản mà bạn có thể mang đến để lễ Phật như bánh kẹo, hoa quả tươi, chè, hoa cúng nếu tiện lợi… Lưu ý các lễ vật là thực phẩm nên là đồ chay, không sắm lễ mặn.
4.2. Chiêm ngưỡng các bức hoành phi thời Nguyễn
Hiện nay, ở chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn còn lưu giữ nhiều bức hoành phi được lập vào các đời vua triều Nguyễn quý giá. Cụ thể như bức “Ngự chế Ứng chân tự” vào năm Thành Thái thứ 9 (1897), bức “Sắc tứ Linh ứng Tự” lập năm Thành Thái thứ 3 (1891), “Hữu tâm tượng giáo” năm Thành Thái thứ 12 (1900), “Tuệ mệnh khả kế” năm Bảo Đại thứ 8 (1933)...
4.3. Chiêm ngưỡng cây di sản quốc gia
Ngay phía sau chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn là cây đa sộp 6000 năm tuổi được xem là cây di sản quốc gia. Đây cũng là cây “cao niên" nhất danh thắng Ngũ Hành Sơn với tán cây phát triển mạnh, phủ lên mái chùa tạo nên cảnh quan kỳ vĩ. Vị trí của cây nằm ngay phía trên động Tàng Chơn, đây cũng là nơi căn cứ hoạt động mật của quân ta trong kháng chiến chống Mỹ.
5. Đường lên chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn
Có 2 cách để có thể di chuyển lên chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn. Tùy vào tình hình sức khỏe và lựa chọn của mỗi người, du khách và các tăng ni Phật tử có thể chọn lên chùa bằng thang máy hoặc lối đi bộ.
5.1. Lối đi bộ
Lối đi bộ bắt đầu từ ngay chân ngọn núi Thủy Sơn, có thể di chuyển theo lối phía Tây lên chùa Tam Thai, sau đó đi xuống phía Đông để đến chùa Linh Ứng. Du khách và các quý Phật tử sẽ cần phải leo tổng cộng 123 bậc thang và mất tấm 15 phút.
5.2. Thang máy
Chỉ mất tầm 3 phút để đến chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn, thang máy là một phương tiện thuận lợi cho các Phật tử và du khách không đủ sức để đi bộ. Du khách cần mua vé thang máy ở quầy bán vé với mức chi phí chỉ 15.000 VNĐ/ lượt/ người.
Du khách và tăng ni Phật tử sẽ được chiêm ngưỡng quần thể núi Ngũ Hành Sơn hùng vĩ nhìn ra biển, xung quanh còn có các cửa hàng đá mỹ nghệ nức tiếng khi đứng trong thang máy. Từ vị trí cửa thang máy chỉ cần đi xuống vài chục bậc thang là sẽ đến khuôn viên chùa.
Thang máy là phương tiện di chuyển lên chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn nhanh chóng nhất
6. Câu hỏi thường gặp về chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn
Dưới đây là một số những câu hỏi thường gặp mà bạn có thể tham khảo khi đến tham quan và chiêm bái chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn.
6.1. Chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn mở cửa lúc mấy giờ?
Chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn bắt đầu mở cửa cho khách tham quan và các tăng ni Phật tử đến viếng Phật vào lúc 7h00 sáng và đóng cửa vào lúc 17h30 chiều.
6.2. Gửi xe chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn ở đâu? Mất bao nhiêu tiền?
Khi đến chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn thăm viếng, du khách có thể gửi xe ở các điểm gửi xe ngay chân chùa. Thông thường các chỗ gửi xe này sẽ không thu phí. Tuy nhiên, du khách và tăng ni Phật tử sẽ cần mua nước uống (tùy loại nước tùy tâm) thay cho phí trông xe.
6.3. Nên mặc trang phục gì khi đến chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn?
Du khách nên chọn các trang phục có thể đáp ứng 2 tiêu chí: kín đáo và thoải mái. Vì theo văn hóa đạo Phật, những người đi lễ Chùa cần giữ cho mình một phong thái tôn nghiêm, thành tâm vì thế những bộ đồ kín đáo sẽ là một điều kiên quyết. Ngoài ra, những bộ đồ cũng nên thoải mái không quá khó khăn khi di chuyển cũng như ưu tiên đi giày thể thao vì sẽ cần di chuyển, leo bộ nhiều.
Du khách nên ăn mặc kín đáo khi chiêm bái chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn
Chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn không chỉ là một địa điểm tâm linh linh thiêng mà còn là một kiệt tác kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Nơi đây hội tụ đầy đủ những yếu tố để trở thành điểm đến lý tưởng cho những ai muốn tìm kiếm sự thanh tịnh, bình yên trong tâm hồn và khám phá những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Đừng quên theo dõi Sun World để cập nhật những thông tin du lịch mới nhất!
-
Website: https://sunworld.vn/
-
Hotline: 0911 305 568