Từ mùng 4 đến mùng 6 tháng 5 (Âm lịch) hàng năm, tại Linh Sơn Tiên Thạch Tự (Núi Bà Đen) lại diễn ra Lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu thu hút đông đảo du khách đến hành hương. Ngày 14/08/2019, “Lễ vía bà Linh Sơn Thánh Mẫu - núi Bà Đen” vinh dự nhận Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Theo đó, Lễ vía bà Linh Sơn Thánh Mẫu - núi Bà Đen chính thức trở thành Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia. Đó là sự công nhận cho những giá trị đặc sắc mà lễ hội này mang lại.
Hội Vía Bà khởi đầu bằng lễ Mộc Dục (tắm tượng) được tiến hành lúc 0h00 ngày mùng 4 tại Điện Bà. Nghi thức được diễn ra trong không khí trang nghiêm, cửa điện được đóng kín ngăn người bên ngoài vào, đèn nến cũng tắt gần hết, chỉ có sáu phụ nữ, trong đó có ba ni cô của nhà chùa được phép ở trong điện, cử hành nghi thức. Đầu tiên, mọi người đến trước tượng Bà thắp nhang làm lễ, xin phép tắm và thay áo cho Bà. Sau khi được nửa tuần nhang, dưới sự chỉ đạo của một phụ nữ cao tuổi trong nhóm, đoàn người bắt đầu cởi áo khoác cho tượng Bà. Họ chuyền tay nhau những gáo nước thơm được nấu từ hoa sen, hoa lài, hoa sứ, quế, dầu thơm… để dội và tắm cho tượng Bà. Sau khi quá trình tắm kết thúc, những chiếc khăn sạch được xông hương thơm được chuyển đến để tiến hành lau khô cho tượng. Tượng Bà được khoác lên một bộ áo mới. Khi nghi thức tắm và thay áo cho tượng Bà vừa kết thúc, nhóm thắp nhang vái lạy Bà. Lúc này nhang đèn trong điện cũng được thắp lên và các cửa điện mở ra cho khách hành hương vào lễ bái.
Trong suốt ngày mùng 4 tại Điện Bà diễn ra các nghi thức lễ hội dân gian gồm hát bóng rối chầu mời, hát chặp bóng tuồng hài “Địa Nàng”, múa dâng bông, dâng mâm ngũ sắc, múa đồ chơi (múa lu, múa lục bình, múa bông huệ…)... Ngày mùng 5 là ngày lễ vía chính thức của Bà cũng là ngày hội núi Bà. Nghi lễ quan trọng nhất là “Trình thập cúng” nghĩa là dâng lên Bà 10 món gồm hương, đèn, hoa quả, trà bánh, rượu… Trong ngày này các nhà sư thay nhau tụng kinh liên tục trước bàn thờ Bà.
Ngày 6 dành để cúng các cô hồn, uổng tử và chẩn tế cho bá tánh. Trong ngày này các sư sãi tham dự sẽ đọc kinh sám hối siêu độ cho các oan hồn. Buổi chiều sau lễ cúng ngọ là lễ thí thực cô muối. Ban đêm các nhà sư tiếp tục các chầu kinh siêu độ cho bá tánh.
Tuy nhiên, khi so sánh với lễ cúng Phật ở vùng Bắc Bộ thì lễ vía Bà phong phú và vui hơn, vì có dàn nhạc hiện đại, có vai trò như một ban nhạc nhẹ đệm cho các nhà sư làm lễ cúng Phật.
Những nghi thức trong Di sản Lễ Vía Bà không chỉ thu hút người dân theo đạo với lễ thức Phật giáo trang nghiêm, mà còn hấp dẫn cả những người dân thường tò mò với lễ hội này bởi sắc thái vui tươi, rộn ràng và thể hiện ước mơ dung dị của đại chúng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Lễ Vía Bà là một trong những hội chính trong năm của núi Bà Đen. Nếu có cơ hội ghé qua Tây Ninh trong thời gian tháng 5 Âm lịch hàng năm, thì đừng quên lên lịch tham dự Lễ Vía Bà để được tận mắt thưởng thức nét đặc sắc của Di sản này nhé!